Cồng chiêng từ lâu đã là báu vật trong đời sống của đồng bào các dân tộc Ba Na, Ê Ðê, Cơ Tu, Mơ Nông, Gia Rai, Mạ… ở Tây Nguyên. Cồng chiêng đại diện cho tiếng nói, tâm tư, tình cảm và cũng là vật thiêng giúp con người giao tiếp với thần linh.
Đến Tây Nguyên, một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ là lắng nghe thanh âm trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn. Ngày 25/11/2005, UNESCO đã chính thức công nhận Cồng chiêng là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trải qua 17 năm bảo tồn và phát triển, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành điểm nhấn riêng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cao nguyên.
Đến Tây Nguyên, một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ là lắng nghe thanh âm trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn
Tây Nguyên nổi tiếng với những giai thoại, thiên sử thi đậm đà bản sắc bên cạnh thiên nhiên hùng vĩ. Trong đó, văn hóa cồng chiêng được xem như linh hồn của vùng đại ngàn xanh thẳm. Không gian văn hóa cồng chiêng có mặt khắp các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, đồng bào các dân tộc Ê đê, Ba na, Xơ đăng, Gia rai, M’nông, Cơ ho… là chủ nhân sáng tạo ra loại hình văn hóa độc đáo này.
Nhạc cụ này từ lâu đã đồng hành con người Tây Nguyên trải qua những thăng trầm của thời đại
Nhạc cụ này từ lâu đã đồng hành con người Tây Nguyên trải qua những thăng trầm của thời đại. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, hai nhạc cụ điển hình là trống đồng và cồng chiêng có từ thời cổ đại, bắt nguồn từ nền văn minh Đông Sơn có cách đây ít nhất 3.500-4.000 năm. Người Tây Nguyên quan niệm, cồng chiêng là ngôn ngữ linh thiêng, giúp con người giao tiếp với thế giới siêu nhiên. Tượng trưng cho tài sản, quyền lực, sự an toàn trong mỗi gia đình và cộng đồng.
Tiếng cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên suốt cả cuộc đời
Tiếng cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên suốt cả cuộc đời. Âm hưởng quen thuộc ấy theo họ từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Vì thế, những lễ hội lớn nhỏ tại nơi đây đều phải có tiếng cồng chiêng để thể hiện sự minh chứng của thần linh cho buổi lễ.
Những lễ hội lớn nhỏ tại nơi đây đều phải có tiếng cồng chiêng
Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Loại nhạc cụ này thường được làm từ hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen, có nhiều kích cỡ, đường kính từ 20 -120cm. Và có thể được dùng đơn lẻ hoặc theo bộ, khoảng từ 2 đến 20 chiếc tùy theo nhu cầu của người sở hữu. Trong đó, chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.
Người ta gõ cồng chiêng bằng dùi hoặc đấm bằng tay để tạo nên những âm thanh ngân nga sâu lắng, đôi lúc lại thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với không gian và âm thanh thiên nhiên Tây Nguyên, trở thành nét văn hóa đầy quyến rũ của vùng đất đại ngàn.
Âm hưởng đó không chỉ đơn thuần đậm chất nghệ thuật mà còn có ý nghĩa đùm bọc và gắn kết
Âm hưởng đó không chỉ đơn thuần đậm chất nghệ thuật mà còn có ý nghĩa đùm bọc và gắn liền với những sự kiện trọng đại hay cuộc sống của mỗi người dân Tây Nguyên. Tiếng cồng chiêng vang lên khi một thành viên mới của buôn làng được ra đời, rồi khi lớn lên trải qua các giai đoạn cuộc sống, từ việc ruộng đồng cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, khi đón khách, lên nhà mới hay tang lễ… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng.
Lắng nghe câu chuyện đời sống người dân Tây Nguyên
Lắng nghe tiếng cồng chiêng ngân vang giữa rừng núi, bạn được cảm nhận những hoạt động thường ngày của người dân địa phương hiện lên sống động trong tâm trí, từ không gian săn bắn, làm rẫy tới không gian lễ hội đầy màu sắc, bên những vò rượu cần, người dân buôn làng vui vẻ nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng trong tiếng cồng chiêng vang vọng, một không gian lãng mạn, quá đỗi huyền ảo khiến ai cũng xao xuyến và nhớ nhung mảnh đất, con người nơi đây. Cồng chiêng cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
Theo Wanderlusttips
Sưu tầm: Ngô Diệp