Du khách Việt Nam muốn đi du lịch Mexico bắt buộc phải xin visa. Tuy nhiên, nếu bạn đang hiện diện trên đất Mỹ thì mọi chuyện dễ hơn nhiều vì không cần xin visa, Mexico mở cửa biên giới đón bạn vào.
1. Dọc theo biên giới Mỹ - Mexico có khá nhiều cửa khẩu, hầu hết đều áp dụng quy chế “cho qua không cần visa”, nghĩa là từ đất Mỹ, du khách có thể phóng xe cái ào qua biên giới để vào Mexico tham quan. Tất cả các cửa khẩu đều có trạm hải quan nhưng không có người kiểm soát hộ chiếu, cứ qua như chốn không người. Chúng tôi đã làm một chuyến du lịch tốc hành như thế từ bang California bên đất Mỹ.
Tijuana về đêm - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Nhóm hát rong phục vụ thực khách - Ảnh: Đoàn Xuân Hải |
Đó là một ngày cuối tuần, lượng xe cộ đổ sang Mexico khá đông, 4 làn xe hơi một chiều trên đường cao tốc từ California sang Mexico chật cứng, tốc độ giảm dần khi gần đến trạm hải quan. Qua được lãnh thổ Mexico cũng là lúc trời đã sập tối nhưng vẫn thấy rất rõ nhiều lớp hàng rào kẽm gai và bót gác được đèn pha rọi sáng chóa nằm dọc theo đường biên cùng với vô số lính tráng tay lăm lăm súng tiểu liên. Điều này được giải thích bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là ngăn ngừa các băng nhóm tội phạm thanh toán nhau “như cơm bữa” để tranh giành lãnh địa, cũng như nạn vượt biên trái phép và tuồn ma túy từ Mexico qua Mỹ. Rõ ràng đó là một vùng đất dữ, nhưng càng vào sâu thì trực quan cho thấy cuộc sống nơi đây có vẻ thanh bình hơn.
2. Thành phố có tên Tijuana, nằm trên bán đảo Baja California (một bang của Mexico) nhìn ra Thái Bình Dương. Tijuana có 24 km đường biên giới với San Diego thuộc bang California của Mỹ. Vùng đất California xưa kia thuộc Mexico, sau cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico (1846-1848) bị chia làm hai phần, nên ngày nay bán đảo này vẫn còn mang tên Baja California (Hạ California) là vì vậy. Dân số của Tijuana chưa đến 2 triệu người nhưng mỗi năm đón khoảng 50 triệu người qua lại đường biên giới này, trở thành biên giới bận rộn nhất thế giới và là vùng đất được tham quan nhiều thứ 2 ở Tây bán cầu (sau TP New York của Mỹ).
Chúng tôi bắt đầu khám phá Tijuana về đêm bằng bữa tối trong một nhà hàng với món chính là tôm hùm. Trước khi xơi tôm hùm, người ta mang ra cho bạn một vài món khai vị quốc hồn quốc túy của Mexico để lai rai cùng với bia và rượu Tequila (một loại rượu mạnh, giống rượu đế của Việt Nam). Điều thú vị là trong lúc vừa dùng bữa, thực khách sẽ được “những người hát rong Flamenco” trong trang phục lịch sự phục vụ. Bạn có quyền yêu cầu nhóm nhạc hát bài gì cũng được, với điều kiện phải trả 5 USD/bài. Bàn chúng tôi yêu cầu họ hát một số bài đáng kể theo thể loại rộn rã của dòng nhạc La tinh, trong đó có bài Guantanamera quen thuộc. Vùng đất này hai bờ đông-tây đều là biển nên hải sản khá dồi dào, ngon và rẻ. Mỗi khẩu phần của thực khách bao gồm 2 con tôm hùm bự (20 USD/con, tương đương 420.000 đồng theo tỷ giá hiện nay), ăn “ná thở” vẫn không hết. Giá trọn gói cho bữa ăn tối như vậy khoảng 100 USD/người.
Sau khi ăn uống no say, chúng tôi chuyển sang tiết mục dạo phố và mua sắm. Các cửa hàng đồ lưu niệm ở đây khá phong phú, chủ yếu do Mexico sản xuất, đặc trưng Mễ Tây Cơ như: chiếc nón rộng vành có chóp mũ cao, áo choàng vải bố, áo vải trắng dạng body dài tới đầu gối, hàng thủ công mỹ nghệ của thổ dân bản địa… mà ta thường thấy trong các bộ phim cao bồi Hollywood. Giá cả sinh hoạt ở Mexico nhìn chung dễ chịu hơn nhiều so với bên Mỹ, kể cả món… “gà móng đỏ” nên thu hút khá đông du khách Mỹ ào ạt sang chơi vào dịp cuối tuần, âu cũng là điều dễ hiểu.
Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính của Mexico, nhưng ở Tijuana người ta sử dụng tiếng Anh là phổ biến vì du lịch phát triển mạnh.
3. Qua Mexico dễ bao nhiêu thì lúc quay lại Mỹ khó bấy nhiêu. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác, không phải chuyện đùa. Đến trạm hải quan biên giới, tất cả hành khách phải xuống xe làm thủ tục “check-in” giống như ở phi trường. Khi trình passport, anh nhân viên hải quan Mỹ nói: “Good morning!” (Chào buổi sáng) làm tôi ngớ người ra vì lúc đó trời tối thui. Như hiểu được sự lúng túng của tôi, anh ta mỉm cười rồi chỉ vào đồng hồ và giải thích “bây giờ đã là 1 giờ sáng”. Đó là thời gian chúng tôi quay lại nước Mỹ sau một đêm lãng du trên đất Mễ. Xe cộ cũng được nhân viên hải quan Mỹ “soi” kỹ hơn để phát hiện hàng quốc cấm, và cũng nhằm tìm những người nhập cư lậu đang ẩn mình đâu đó trong xe.
Đối với du khách Việt Nam, chuyện đi qua Mexico rồi về lại Mỹ trót lọt tùy thuộc vào visa Mỹ. Trong visa, ở mục Entries (số lần nhập cảnh) nếu là chữ M (Multi) có nghĩa là được vào nhiều lần, còn chữ S (Single) thì chỉ vào 1 lần mà thôi. Nếu không chú ý điều này, bạn sẽ phải khóc hận cho chuyến đi của mình. Trong tình huống hải quan Mỹ từ chối cho vào lại nước Mỹ vì visa Entries S, bạn có 2 cách: Một là đến sứ quán Mỹ ở thủ đô Mexico City xin visa khác (khả năng được chấp thuận vô cùng thấp, nếu không muốn nói là vô vọng); hai là tìm đường về lại Việt Nam trên đất Mexico, dĩ nhiên không thể bằng đường bộ và cả đường thủy. Từ Mexico về lại Việt Nam chỉ có thể bằng đường hàng không mà thôi, nhanh nhất mất 2 ngày vì phải transit lòng vòng nhiều nơi rất nhiêu khê.
Một khi đã đặt chân lên đất Mỹ, bạn hãy thử làm một chuyến “vượt biên” sang Mexico. Đừng để tâm đến nạn bạo lực, bắt cóc, giết chóc triền miên, Mexico vẫn còn là một vùng đất có nhiều điều thú vị mời bạn khám phá.
Nguồn : thanhnien