TTO - Cho dù bạn tới từ quốc gia nào, hộ chiếu của tất cả các nước đều có chung một mẫu thiết kế, kiểu dáng và kích thước. Vì sao như vậy?
Hộ chiếu, như chúng ta biết, đã được Hiệp hội các quốc gia tạo ra năm 1920 - Ảnh: ISTOCK
Theo trang tin News.com.au (Úc), vào tháng 10-1920, một cuộc họp diễn ra tại Pháp đã vĩnh viễn thay đổi phương thức đi lại của chúng ta. Tại cuộc họp đó, mẫu hộ chiếu hiện đại đã ra đời.
Từ sau cuộc họp này, bất kể là bạn đến từ đâu, hộ chiếu của các nước trên toàn thế giới đều sẽ giống nhau về số trang, kích thước, thiết kế và cách thức trình bày.
Sở dĩ có được điều này là vì Liên đoàn các quốc gia (League of Nations, còn gọi là Hội quốc liên), một tổ chức liên chính phủ được thành lập từ sau Thế chiến thứ nhất với mục tiêu duy trì hòa bình thế giới, đã tiến hành triệu tập hội nghị Paris về Hộ chiếu và thủ tục hải quan và giấy thông hành.
Tại hội nghị này, lần đầu tiên, một bộ tiêu chuẩn dành cho mọi loại hộ chiếu đã được các thành viên của Liên đoàn các quốc gia đề xuất và đi đến thống nhất.
Trước Thế chiến thứ nhất, việc đi lại không khu vực châu Âu không đòi hỏi người dân phải có hộ chiếu và thủ tục thông quan tại biên giới cũng tương đối đơn giản.
Tuy nhiên trong thời gian xảy ra chiến tranh, mọi thứ đã thay đổi. Các chính phủ châu Âu siết chặt kiểm soát nhập cư và việc đi lại vì các lý do an ninh, theo đó đã đưa ra những quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn tại khu vực biên giới.
Hộ chiếu là tấm thông hành không thể thiếu khi nhập cảnh các quốc gia - Ảnh: Lairport
Sau chiến tranh, việc duy trì an ninh bên cạnh nhu cầu nới lỏng đi lại qua biên giới trở thành vấn đề được ưu tiên.
Tuy nhiên việc thiếu một loại hộ chiếu được "chuẩn hóa" đã "gây ra trở ngại nghiêm trọng cho quá trình khởi động lại quan hệ bình thường và khôi phục kinh tế thế giới", như nhận định của Liên đoàn các quốc gia.
Ngay cả khi mọi người đã mang theo đủ các giấy tờ cần thiết để đi lại thì các nhân viên hải quân vẫn thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh các loại giấy tờ tùy thân của người nước ngoài.
Khó khăn này bắt nguồn từ việc các giấy tờ đó có kích thước, hình dáng rất đa dạng, cách hiển thị thông tin và những chỉ dẫn xác thực công dân cũng không giống nhau.
Để giải quyết khó khăn đó, Hội nghị Paris về hộ chiếu và thủ tục hải quan và giấy thông hành đã cụ thể hóa tiêu chuẩn về kích thước, cách trình bày và thiết kế các giấy tờ đi lại cho 42 quốc gia thành viên của Liên đoàn các quốc gia.
Theo đó tổ chức liên chính phủ này đề nghị hộ chiếu nên có kích thước 15,5 cm x 10,5 cm và phải có 32 trang.
Trong đó, 4 trang đầu chứa những thông tin chi tiết về diện mạo của chủ sở hữu hộ chiếu và những thông tin nhân thân khác. 28 trang còn lại dành cho phần thị thực của những nước mà hộ chiếu đó được chấp nhận.
Hộ chiếu của Mỹ - Ảnh: ISTOCK
Liên đoàn các quốc gia cũng yêu cầu mọi hộ chiếu phải được bọc bằng bìa cứng, với phần bìa chính ghi tên nước và phần hình ảnh quốc huy nước đó đặt ở trung tâm trang bìa đầu.
Mặc dù các tiêu chuẩn của hộ chiếu hiện nay do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế của LHQ (ICAO) quản lý, tuy nhiên mẫu thiết kế và quy chuẩn trình bày của các hộ chiếu đã hầu như không thay đổi trong gần 100 năm qua.
Tuy nhiên, những thay đổi đáng chú ý nhất về các tiêu chuẩn của hộ chiếu là ở phương diện bảo mật của hộ chiếu, trong đó có các hình ảnh ba chiều, hình in chìm, dữ liệu mã hóa để máy tính đọc, và đáng kể nhất là công nghệ nhúng chip điện tử với các thông tin sinh trắc học dùng để xác thực chủ nhân hộ chiếu (còn được gọi là e-Passport: hộ chiếu điện tử).
D. KIM THOA