Chính
sách thị thực mới với những điều chỉnh vừa được Quốc hội thông qua cho
phép kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá
trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo
diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày… Điều này đã mở ra
nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính
khẳng định: Chính sách thị thực được tạo thuận lợi hơn. Đây là cú hích
rất mạnh đối với ngành Du lịch khi mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm
sắp đến. Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay hoàn
toàn có khả năng vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có thể
đón được 12 triệu khách quốc tế trong năm 2023.
Chính sách tạo
thuận lợi hơn về thị thực sẽ giúp ngành Du lịch đa dạng hóa thị trường,
tăng số khách đến Việt Nam, kéo dài khả năng lưu trú, tăng khả năng chi
tiêu của du khách. Ngoài ra, chính sách này sẽ giúp tăng số khách đi lại
bằng đường hàng không; tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại quốc tế,
thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Lê Công
Năng, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour cho rằng, việc Quốc hội
đồng ý điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh là tin vui với du
lịch Việt Nam. Mặc dù thời điểm này, các đơn vị kinh doanh đã lỡ mùa du
lịch biển nhưng sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho kế hoạch đón khách
du lịch mùa Xuân năm 2024. Trước đó, chính sách visa không cạnh tranh là
một trong những lý do khiến du lịch Việt Nam phục hồi chậm dù sớm mở
cửa sau Covid-19.
Tuy vậy, theo ông Hoàng Nhân Chính, chúng ta
mới chỉ cho phép công dân của 80 nước được áp dụng xin thị thực điện tử
đến Việt Nam và chỉ áp dụng miễn thị thực cho du khách quốc tế đến từ 24
nước, ít hơn rất nhiều so các nước trong khu vực như Thái Lan (miễn cho
76 nước), Malaysia (miễn cho 156 nước) và Singapore (miễn cho 162
nước)... Việc nới thời hạn thị thực, tăng thời gian lưu trú của du khách
là bước chuyển đổi rất lớn thể hiện quyết tâm thực hiện đột phá trong
chính sách thị thực.
Trên đà này, danh sách các nước được miễn
thị thực nếu nhanh chóng mở rộng, sẽ tạo thêm cơ hội rất lớn thúc đẩy
khách quốc tế đến Việt Nam ngay từ quý III năm nay. Càng nhiều khách
quốc tế tới, du lịch nước ta càng sớm phục hồi toàn diện.
Ngoài
việc tiếp tục triển khai áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho
nhóm 13 quốc gia đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương (gồm Nga,
Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Belarus, Anh,
Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia), Hội đồng Tư vấn du lịch đề xuất Chính
phủ ngay trong tháng 8/2023 cho phép mở rộng thêm 33 quốc gia được miễn
thị thực đơn phương mà Hội đồng đã gửi đề xuất đến Bộ Ngoại giao.
Trong
số này gồm 20 nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu chưa được miễn thị
thực cùng một số quốc gia khác có nhiều khách đến Việt Nam, có tiềm năng
tăng trưởng mạnh mẽ và chi tiêu cao. Đó cũng là những nước được nhiều
nước trên thế giới, khu vực miễn thị thực, có quan hệ ngoại giao tốt
đẹp, giao dịch thương mại phát triển tốt… như Mỹ, Australia, New
Zealand, Canada, Thụy Sĩ...
Tiếp tục tháo gỡ nút thắt cho du lịch
Phó
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cởi
mở trong chính sách visa sẽ đem đến "lợi ích kép".
Việc khách
quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hay không phụ thuộc chính
sách này. Độ mở về chính sách visa là tiêu chí để so sánh năng lực phát
triển du lịch Việt Nam và lữ hành của điểm đến. Việt Nam hứa hẹn thu
hút nhiều du khách quốc tế hơn và với thời gian lưu trú của họ được lâu
hơn, chi tiêu của du khách sẽ lớn hơn.
Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
đã ra mắt Sách trắng 2022 - 2023 cũng nêu rõ: Chính sách thị thực nhập
cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du
lịch quốc tế. Sau đại dịch, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phương án mở
rộng phạm vi miễn thị thực. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh
tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế,
từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm.
Theo phân
tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành
thế giới (WTTC), chính sách cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng
làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 - 25% mỗi năm. Trưởng Ban Thư ký Hội
đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính khẳng định, chính sách tạo
thuận lợi cho thị thực là "vũ khí cạnh tranh" lợi hại với ngành Du lịch,
đặc biệt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh điểm đến đang ngày càng "nóng".
So với các nước trong khu vực, sức cạnh tranh của chúng ta kém
hơn dù có rất nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch. Chính sách thị thực
cởi mở có thể tạo ra đột biến, có tác động ngay trước mắt trong phát
triển du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch sẽ cần thực hiện nhiều biện pháp
đồng bộ để thu hút du khách. Đó là đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch;
xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thị trường;
tập trung đầu tư và quản lý tốt điểm đến; phát triển nguồn nhân lực du
lịch chất lượng cao…
Trước mắt, ngành Du lịch và các ngành khác
(ngoại giao, hàng không…) cần tập trung vào truyền thông quốc tế để lan
tỏa thông điệp về chính sách cởi mở tạo thuận lợi về thị thực của Việt
Nam, luôn chào đón mọi du khách quốc tế đến Việt Nam. Chính sách thuận
lợi hơn về thị thực không chỉ mang đến cơ hội để thu hút khách quốc tế
nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho du lịch Việt Nam.
Cụ thể,
các sản phẩm du lịch của nước ta đang còn thiếu tính đa dạng độc đáo,
chưa sáng tạo, chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường,
chưa thu hút khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, công tác quản lý các điểm
đến du lịch chưa tốt dẫn đến hiện tượng quá tải trong du lịch tại một
vài thời điểm, hiện tượng “chặt chém” du khách vẫn còn xảy ra. Chất
lượng dịch vụ chưa tương xứng với số tiền du khách đã chi trả. Những
điều này khiến trải nghiệm của du khách không được đáp ứng, chi tiêu của
du khách tại điểm đến thấp và du khách có thể sẽ không muốn quay lại
nữa.
Hiện nay, nhân lực lao động trong ngành Du lịch đang bị
thiếu và yếu sau đại dịch Covid-19, khiến chất lượng dịch vụ bị giảm
sút. Đây cũng là một thách thức lớn cho ngành Du lịch Việt Nam.
Ông
Hoàng Nhân Chính cho rằng, cần nhận thức rõ rằng du lịch là ngành kinh
tế cần sự liên kết đa ngành, đa địa phương. Thái Lan muốn thúc đẩy kinh
tế phát triển dựa trên thông điệp du lịch 5F (gồm Thai food, Thai films,
Thai fashion, Thai fighting và Thai festivals). Qua bài học của du lịch
Thái Lan, chúng ta cần nhìn thấy: Vai trò nhạc trưởng quan trọng của cơ
quan quản lý nhà nước. Kế hoạch phục hồi du lịch cần được triển khai
với sự liên kết đa ngành để hỗ trợ ngành Du lịch. Ngược lại, khi ngành
Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo.
Các
sản phẩm du lịch cần mang tính sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu
của thị trường đang có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19. Tổng Giám
đốc Công ty Du lịch Wondertour Lê Công Năng chia sẻ: Đặc thù Việt Nam có
bờ biển hấp dẫn từ Bắc vào Nam. Việc kéo dài thời gian thị thực điện tử
giúp khách quốc tế có đủ thời gian khám phá non nước Việt Nam. Khách
hoàn toàn có thể thực hiện hành trình liên tuyến 3 nước Đông Dương hoặc
ASEAN, không phải lo lắng gia hạn visa.
Tuy vậy, các doanh
nghiệp phải nghiên cứu chi tiết và trải nghiệm hóa hoạt động du lịch của
khách quốc tế. Khách chi tiêu nhiều hơn cho du lịch sẽ giúp tăng việc
làm và thu nhập gián tiếp cho người dân. Bên cạnh khai thác tối đa thuận
lợi từ chính sách visa, chúng ta cần tăng cường quản lý an ninh, trật
tự xã hội, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...
Với
những chính sách mới về xuất nhập cảnh, visa thuận lợi, ngành Du lịch
đang có cơ hội tốt để bứt phá, không chỉ trong giai đoạn phục hồi hiện
nay, còn là lực đẩy để doanh nghiệp phát triển ổn định, từ đó tạo sức
lan tỏa cho toàn ngành du lịch phát triển bền vững.