Tỉnh Hà Nam nằm ở hạ lưu châu thổ sông Hồng với đặc điểm địa tự nhiên và địa chính trị, văn hóa quan trọng của đồng bằng Bắc Bộ thời dựng nước, trên địa bàn tỉnh có 147 di tích thờ các nhân vật thời kỳ này, trong đó đã có 20 di tích được Nhà nước xếp hạng (16 cấp Quốc gia, 4 cấp tỉnh).
Về đặc điểm tự nhiên, Hà Nam có thể coi là một tứ giác được
bao bọc bởi 4 con sông: sông Nhuệ ở Bắc, sông Ninh ở Nam, sông Hồng ở Đông và
sông Đáy ở Tây. Đó là các lằn ranh giới lãnh thổ với các tỉnh: Nam Định, Hưng
Yên, Hòa Bình và Thành phố Hà Nội. Thêm một nét đặc trưng nữa, là về phía Tây dải
sơn khối đá vôi chạy dài ven sông Đáy, nối tiếp mạch núi từ Hòa Bình qua địa phận
huyện Kim Bảng, thành phố Phủ Lý và huyện Thanh Liêm. Phía Đông, sông Hồng
(sông Mẹ) chảy qua thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân.
Thế đối lập núi - sông (âm - dương) đó phân chia lãnh thổ Hà
Nam thành 2 vùng rõ rệt: đồng bằng và bán sơn địa. Về mặt địa chính trị, địa
văn hóa: Hà Nam là một vùng giao thoa của văn minh sông Hồng và văn minh sông
Mã, giữa văn hóa Tày Thái cổ và tiền Việt Mường từ xa xưa, rồi văn hóa Hoa Lư
(thời Đinh - Lê), Thăng Long (Lý - Trần - Lê), Thiên Trường (kinh đô thứ hai
nhà Trần) thời Trung đại. Thời hiện đại, Hà Nam ở trên trục đường xuyên Việt,
tiếp nhận và thâu hóa các yếu tố văn hóa từ Bắc xuống và từ Nam lên.
Đền đá Nam Hà
Di tích khảo cổ học có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hà
Nam cho đến nay là di chỉ cư trú hang động (hang Chuông, hang Gióng Lở) thuộc
thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm có tuổi trên dưới một vạn năm,
in đậm dấu ấn của văn hóa hậu kỳ đồ đá mới - sơ kỳ kim khí.
Song đáng quan tâm là các di tích mộ tang thuộc phạm trù văn
hóa Đông Sơn - tương ứng với thời kỳ Hùng Vương của phân kỳ sử học.
Hàng chục ngôi mộ có quan tài hình thuyền đã được phát hiện ở
các xã Yên Bắc, Mộc Bắc, Đọi Sơn, Châu Giang đều thuộc thị xã Duy Tiên và ở
Thanh Sơn (Kim Bảng), Thịnh Châu Hạ (Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) niên đại đã được
đoán định từ thế kỷ III - II trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên. Rồi
hàng chục trống đồng loại I Heger cũng được tìm thấy trong lòng đất, cùng nhiều
vũ khí (rìu, dao găm) công cụ sản xuất, đồ trang sức.
Điều đó cho phép đoán định: Vào thời kỳ Hùng Vương đã có dòng
di cư khá mạnh mẽ của người Việt cổ từ núi cao rừng rậm (vùng núi và cận núi)
tiến xuống khai thác vùng hạ châu thổ lúc đó đang trong quá trình hình thành.
Những người dân tiên phong đó chinh phục vùng đất lầy thụt,
hoang dã xây dựng nơi cư trú ven các con sông lớn (sự phân bố mộ thuyền đã chứng
minh) trên các doi đất cao ráo.
Chứng tích khảo cổ học chỉ cho chúng ta biết những căn cước
vô danh, song các di tích lịch sử - văn hóa đã cho những con người vô danh đó
những tên tuổi và công trạng cụ thể, những lễ thức thờ tự, tôn vinh.
Dù rằng ta biết truyền thuyết, thần tích chưa hoàn toàn là
minh chứng sử học xác thực. Nhưng thông qua đó đã phản ánh một sự thật là trong
dòng người di cư đến Hà Nam vào thời Hùng Vương đã có những người trội vượt, về
sau được nhân dân tôn thờ và sáng tạo nên lý lịch và công trạng.
Thời Hùng Vương, vùng đất Hà Nam hiện nay thuộc bộ Giao chỉ.
Các di tích thờ các nhân vật có liên quan đến thời Hùng Vương hiện diện ở tất cả
các huyện, thành phố, thị xã với số lượng nhiều, ít khác nhau. Thời Hùng Vương,
theo quan niệm của chúng tôi, còn bao quát cả thời kỳ tiền Hùng Vương (thời Lạc
Long Quân - Âu Cơ theo truyền thuyết) và thời An Dương Vương nữa.
Theo khảo sát sơ bộ trên địa phận tỉnh Hà Nam có 147 di tích
thờ các nhân vật thời kỳ này, trong đó đã có 20 di tích được Nhà nước xếp hạng
(16 cấp Quốc gia, 4 cấp tỉnh). Sự phân bố di tích ở các địa phương như sau: thị
xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân và Thanh Liêm, mỗi đơn vị 32 di tích; huyện Kim bảng
28 di tích, huyện Bình Lục 19 di tích và thành phố Phủ Lý 4 di tích.
Từ số lượng di tích phân bố nêu trên và qua khảo sát vị trí
của các di tích, có thể rút ra một nhận xét: Các huyện Lý Nhân, Kim Bảng, Thanh
Liêm và thị xã Duy Tiên là địa phương có nhiều di tích nhất liên quan đến thời
Hùng Vương, hầu hết các di tích nằm ven bờ trái của sông Hồng và hai bờ sông
Đáy.
Phải chăng, hai con sông quan trọng này đã là con đường nước
chủ yếu để lớp người tiên phong từ vùng núi và trước núi tiến xuống khai phá đồng
bằng châu thổ. Cuộc chinh phục vùng đất hoang hóa sình lầy gặp không ít khó
khăn bởi trở lực của thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt, thú dữ vây bủa, nhất
là khi người Việt cổ còn phụ thuộc khá nhiều vào tự nhiên.
Ở Hà Nam có khá nhiều di tích thờ nhiên thần, mà nổi bật là
Sơn Thần, tiêu biểu như thần Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh, là thủy thần mà đại
diện là Câu Mang, Trung Thành phổ tế. Thờ các hiện tượng tự nhiên nổi bật là Tứ
pháp (Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện), về sau các vị này được Phật hóa.
Nhưng chiếm số lượng nhiều hơn cả vẫn là các vị nhân thần được
lịch sử hóa với nhiều công trạng giúp Hùng Vương hay An Dương Vương chống giặc
ngoại xâm, dẹp trừ nội loạn, khai hoang, lập ấp, làm chuyện công đức cho dân
lành. Bản hùng ca dựng nước đi đôi với giữ nước khởi sáng từ thời các vua Hùng
đã được thể hiện từ rất sớm trên đất Hà Nam.
Nói cụ thể hơn, qua thống kê có 17 nhiên thần và 136 nhân thần
được thờ trong các di tích. Các vị nhân thần thời Hùng Vương gồm Lạc Long Quân
và Âu Cơ cùng các con (3 di tích thờ); vợ, con, anh, em và cháu các vua Hùng có
11 vị. Đặc biệt là 122 vị tướng thời Hùng Vương, trong đó không ít người quê
quán ở đất Hà Nam.
Hầu hết các di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương có niên
đại từ thế kỷ XVIII trở về sau. Đa số các bản thần phả do Nguyễn Bính - Hàn lâm
viện Đông các Đại học sĩ soạn vào năm 1572 hoặc 1573. Thực ra, khi soạn thần phả,
Nguyễn Bính đã dựa vào truyền thuyết lưu truyền trong dân gian.
Các đền, miếu thờ các nhân vật thời Hùng Vương lúc đầu bằng
tranh, tre, nứa lá không thể tồn tại lâu dài, nên về sau nhân dân các địa
phương đã xây dựng lại bằng nguyên liệu bền vững.
Để tôn vinh các vị thần nói chung và các nhân vật thời Hùng
Vương nói riêng, các triều đình phong kiến thời hậu Lê, thời Nguyễn và nhân dân
Hà Nam trước đây đã thể hiện bằng nhiều hình thức.
Cùng với việc giao cho Bộ Lễ, cụ thể là Nguyễn Bính chịu
trách nhiệm biên soạn thần phả, ngọc phả, triều đình phong kiến còn căn cứ vào
công trạng của thần mà sắc phong theo 3 bậc: Thượng, Trung và Hạ đẳng thần do
làng xã khai báo lên. Thường thì Trung đẳng thần hay Hạ đẳng thần chỉ phong cho
các vị nguồn gốc không rõ ràng, không rõ danh tính.
Chúng tôi đã khảo sát các bản thần tích thờ các vị thần thời
Hùng Vương còn tồn tại thì tất cả đều được phong bậc “Thượng đẳng thần”. Một số
di tích thờ Tản Viên sơn thần hay Cao sơn và cả thờ Thủy thần, theo các cụ cao
tuổi truyền lại vào năm chẵn, triều đình cử quan văn về chủ trì việc tế. Nhiều
di tích có sự đóng góp tiền của các hoàng thân, quốc thích, quan lại triều đình
và địa phương trong việc tu bổ, tôn tạo.
Tục thờ Thành hoàng vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc - đó là vị
thần của thành trì, nhưng sang đến Việt Nam, Thành hoàng đã được dân Việt biến
cải trở thành vị thần bảo trợ của làng xã, với các hành động tôn vinh khai báo
với Nhà nước để xin sắc phong, xây dựng nơi thờ phụng, là công trình kiến trúc
với phong cách dân tộc đậm nét, rồi tôn vinh thần bằng đại tự, câu đối, đồ thờ...
Đặc biệt, hằng năm hoặc định kỳ, theo lệ tổ chức hội làng với các nghi thức
trang nghiêm, trọng thể, tên húy của thần được kiêng kị... Các di tích thờ các
nhân vật thời Hùng Vương cũng không nằm ngoài cái chung ấy. Song điều đáng chú
ý là ở một số lễ hội, ngoài việc tái hiện công trạng vị thành hoàng thời Hùng
Vương, ta còn thấy bóng dáng lễ nghi nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước.
Các di tích thời Hùng Vương chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng
thể di tích lịch sử - văn hóa hiện hữu trên đất Hà Nam, góp phần quan trọng cho
việc nghiên cứu lịch sử, xã hội, văn hóa buổi bình minh của lịch sử ở vùng hạ
lưu châu thổ sông Hồng, minh chứng lịch sử lâu đời của tỉnh Hà Nam.
Mai Khánh